Cộng đồng người Surma được hình thành từ 2 bộ tộc: Suri và Mursi. Họ sinh sống dọc theo lưu vực sông Omo ở Tây Nam Ethiopia, trong những túp lều lợp cỏ khuất sâu nơi rừng rậm, và ít khi tiếp xúc với bên ngoài.
Tộc người này nổi tiếng với phong tục làm đẹp có phần… hơi kinh dị: phụ nữ bẻ răng, đục thủng môi để lồng đĩa vào đó. Họ coi đây là biểu tượng của vẻ đẹp và đẳng cấp xã hội trong bộ tộc.
Tuy nhiên, sự tồn tại của người Surma đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn, từ tình trạng hạn hán khắc nghiệt, việc chặn dòng sông Omo để xây đập thủy điện, cũng như kế hoạch thiết lập vườn quốc gia ở khu rừng nơi họ sinh sống.
Với hy vọng sẽ được tiếp cận phong tục làm đẹp độc đáo này trước khi tộc người Surma bị xóa sổ, nhiếp ảnh gia Louisa Seton quyết định tới Ethiopia để tìm kiếm và ghi lại hình ảnh của họ.
Dưới đây là những bức ảnh ấn tượng được thực hiện trong chuyến đi năm 2015 của nữ nhiếp ảnh gia người gốc Kenya:
2 đứa trẻ Surma đang ngồi chơi trên một thân cây, giữa cánh đồng ngô và lúa miến. Tộc người này ăn rất nhiều loại lúa miến địa phương – vốn chứa nhiều chất cồn, gây say xỉn. Chính vì vậy, chụp ảnh họ sau bữa trưa là điều gần như không thể.
“Chụp ảnh trẻ em là dễ nhất, vì chúng rất thích được lại gần, tiếp xúc và cười đùa. Chúng bị cuốn hút bởi mái tóc vàng của tôi và muốn chạm vào nó. Em bé này thì lại sợ làn da trắng của tôi và òa khóc khi tôi đưa tay bế” – Seton kể về bức ảnh trên.
Một nhóm phụ nữ (ảnh) đang đứng tại thung lũng Upper Omo. Theo truyền thống, họ lồng những chiếc đĩa lớn vào môi, và rạch nhiều họa tiết đặc biệt trên da để tạo thành sẹo. Tất cả đều vì mục đích làm đẹp. Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em Surma còn hay trang điểm bằng các đất sét trắng và hoa tươi.
Chân dung của một phụ nữ Surma. Có thể thấy chiếc đĩa lớn làm bằng gốm được lồng vào môi dưới của cô, và những họa tiết đặc biệt ở trên da.
Khi đến tuổi kết hôn, phụ nữ Surma bắt đầu thực hiện tục lệ nói trên. Đầu tiên, họ loại bỏ đi 2 chiếc răng ở hàm dưới, đục thủng một lỗ ở môi dưới rồi chèn vào đó một miếng gỗ nhỏ. Miếng gỗ này sẽ được thay thế dần bằng những miếng to hơn, cho đến khi cái lỗ đủ lớn tới mức nhét vừa chiếc đĩa gốm hoặc đĩa gỗ vào.
Seton mất tới 3 ngày lái xe từ Addis Ababa tới Kibbish để chụp ảnh cậu bé thuộc bộ tộc Suri trong ảnh. Bức hình được thực hiện tại làng Naregeer, ở thung lũng Upper Omo. Đây là một khu vực cực kỳ hẻo lánh, nằm sát biên giới với Nam Sudan.
Do các bộ lạc mâu thuẫn nội bộ kéo dài từ nhiều năm nay, một số người Surma có sử dụng súng. Seton cho biết cô đã hơi lo sợ khi chụp ảnh người đàn ông này.
3 người đàn ông tại một ngôi làng nằm trong Công viên quốc gia Margo, thuộc lãnh thổ của tộc Mursi. Họ đem theo vũ khí để bảo vệ gia súc khỏi bị trộm cướp. Các bộ tộc thường đụng độ để giành vật nuôi, đất chăn thả và các điểm lấy nước.
Theo truyền thống, phụ nữ thuộc bộ tộc Suri sẽ chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Họ thường trồng lúa miến, ngô, đậu và thuốc lá.
Thung lũng Upper Omo vẫn giữ được vẻ hoang sơ, với thảm thực vật xanh tươi và rậm rạp. Đây là nơi sinh sống của nhiều người Surma.
Trọng Sang
Nguồn bài viết : Chơi bắn cá đổi thưởng